Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành, trừ trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai...

Việc dùng tài sản hình thành trong tương lai để đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự được áp dụng từ khi có Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 và Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999.

Cho đến nay, khái niệm đã được sửa đổi và nêu cụ thể tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm và đã được ghi nhận tại Điều 320 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Theo quy định tại Điều 342 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì tài sản bảo đảm cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai và theo định nghĩa tại Điều 320 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì:

Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.

Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai.Vật hình thành trong tương lai là ng sản, bất ng sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.

Như vậy, tài sản hình thành trong tương lai dùng làm tài sản bảo đảm là tài sản chưa hình thành hoặc chưa tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm hoặc tài sản này chưa thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm tại thời điểm giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản hình thành trong tương lai phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Tài sản hình thành trong tương lai dùng để làm tài sản bảo đảm phải là “vật”. Vật có thể bao gồm: Động sản, bất ng sản, vật chính, vật phụ, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định.

Tài sản hình thành trong tương lai dùng để làm tài sản bảo đảm là tài sản chưa hình thành.

Tài sản hình thành trong tương lai dùng để làm tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm nhưng hiện tại chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã mở rộng khái niệm này như sau:

Tài sản hình thành trong tương lai gồm: Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật. Khoản 1.4 Điều 15 của

Thông tư số 05/2011/TT-BTP hướng dẫn một số điều Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định cụ thể tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành như sau:

“Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành, trừ trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là phương tiện giao thông cơ giới đã ghi số khung khi đăng ký giao dịch bảo đảm”

Thuật ngữ mở rộng: “Tài sản đã hình thành” dường như mâu thuẫn với chính thuật ngữ: “Tài sản hình thành trong tương lai” mà Bộ luật Dân sự năm 2005 đã nêu. Việc mở rộng này sẽ mở rộng tài sản được coi là tài sản hình thành trong tương lai dùng làm tài sản bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai sẽ còn bao gồm cả tài sản đã hình thành nhưng việc chuyển giao quyền sở hữu cho bên bảo đảm chưa được hoàn thành. Có thể hiểu tài sản hình thành trong tương lai không còn chỉ bao gồm vật hình thành trong tương lai như Bộ luật Dân sự quy định mà còn bao gồm quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Ví dụ: Theo Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2005, căn hộ chung cư, nhà liền kề, biệt thự xây thô đang trong giai đoạn thi công để bán làm nhà ở; tàu thuyền sẽ được đóng, thiết bị, máy móc sẽ được chế tạo theo hợp đồng đã được ký là tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, căn hộ đã xây và có biên bản thanh lý hợp đồng, ô tô, xe máy đã mua nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu; máy móc thiết bị đã đặt mua nhưng vì bên mua chưa thanh toán tiền nên bên bán chưa giao hàng thì vẫn được coi là tài sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp này, còn nhiều ý kiến tranh cãi khi xác định đối tượng hợp đồng bảo đảm là vật (căn hộ chung cư) hay quyền (quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng), gây khó khăn cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

Về cơ bản, định nghĩa tài sản hình thành trong tương lai và xem tài sản ấy là đối tượng của giao dịch bảo đảm có nội dung hoàn toàn tương đồng với các quy định trước đó của Bộ luật Dân sự năm 1995 (cơ sở để xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư về công chứng, chứng thực, về giao dịch bảo đảm hiện vẫn đang có hiệu lực). Mặc dù nội dung quy định đã khá rõ ràng, song thực tế việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai không phải đã có sự nhất quán trong nhận thức, có không ít cơ quan công chứng, chứng thực đã từ chối thực hiện công chứng, chứng thực giao dịch bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai vì chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu làm cơ sở xác định quyền sở hữu đối với tài sản.

Phòng đào tạo-Trung Tâm Đào Tạo Pháp Luật


TRUNG TÂM ĐÀO TẠO PHÁP LUẬT
Phòng 1504 Tháp A, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội
Mobile: 098 367 6668 Phone: 043 724 6666 Fax: 043 538 0666