Ẩm thực 3 miền - Gặm bánh mì ở Sài Gòn : Bánh mì đi với người nghèo, nhất là con nít nhà nghèo. Hôm nào không kịp ăn ở nhà thì mua bánh mì bì. Chẳng có gì bổ béo ở thứ bánh này nhưng ngon và có hương vị riêng.
Nhớ hồi nhỏ tôi có đọc một truyện ngắn có tên “ Những khúc bánh mì của anh Tấu”. Trong đó, tác giả là một cậu học trò rất mê ăn bánh mì của người bán rong trước cửa trường tên là Tấu. Bánh được ủ trong một cái giỏ, luôn nóng, kẹp miếng chả bò rất thơm ngon ở giữa. Cậu bé ăn bánh mì anh Tấu hoài mà không biết ngán, nhất là khi mùa đông lạnh có trong tay ổ bánh mì nóng. Cho đến khi anh Tấu bị ho lao, vừa bán vừa ho sù sụ trong gió lạnh, học trò trường đó tẩy chay, không ai dám mua bánh mì của anh nữa. Trừ cậu bé trong truyện bất chấp căn bệnh của anh, tiếp tục gặm bánh mì anh Tấu. Tôi còn nhớ câu anh Tấu hỏi cậu bé: “ Bây giờ chắc cậu không dám ăn bánh mì của tôi nữa phải không?”. Cuối cùng anh Tấu cũng nghỉ bán vì bệnh nặng thêm, để lại cậu bé một nỗi tiếc nhớ lớn.
Ai cũng có một người bán hàng lý tưởng của mình trước cổng trường. Tôi cũng có một anh Tấu hồi mới lớn trong những buổi sáng đi học. Con hẻm trên đuờng Hai Bà Trưng gần Khách sạn Quê Hương có hai ông cùng đi bán bánh mì với nhau. Thật ra, chỉ có một ông bán và ông kia làm gì không rõ, lúc nào cũng đứng cạnh bên. Ông bán bánh mì có đặc điểm là hút thuốc bằng lỗ mủi. Lúc nào cũng thấy ông nhét một điếu thuốc là vào lỗ mủi bên phải và ra khói bằng mủi bên trái một cách kỳ cục. Vừa hút, tay ông thoăn thoắt lấy bánh mì trong rổ ra, dùng dao xẻ một rãnh ở giữa, nhét cục chả (giò) lụa vào.
Đặc biệt, bánh mì ông luôn giòn, xốp và thơm, cục chả lụa luôn luôn xắt miếng to. Cả miếng dưa leo cũng to, miếng ớt đi theo cũng to. Chả thơm, dưa tươi, thêm tí muối tiêu nữa nên rất ngon, cắn một cái là ngập răng. Bánh của ông luôn luôn đắt, hết trước chín giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông dùng con dao cắt xoẹt một miếng chả, rất trìu mến đưa cho ông phụ bán đứng chầu rìa kia : “Này, ăn đi!”. Ông kia ngay lập tức bỏ vào mồm, nhai ngon lành. Lần đầu đến mua bánh mì, tôi trố mắt nhìn kiểu hút thuốc kỳ cục và miếng chả “tình thương mến thương” giữa hai ông. Riết rồi cũng quen. Và những người khách khác chẳng thấy ai thắc mắc gì. Đến một lúc sau đó vài năm, hai ông cũng biến mất, không để lại dấu vết. Con hẻm vẫn đông, có thêm mấy cái ghế cóc bán cà hê vỉa hè và khách đành đi ăn sáng ở chỗ khác.
Có một bài viết nói về chuyện người Nhật du lịch Víêt Nam. Tổng kết về sở thích ăn uống của họ ở đây, tác giả cho biết món mà họ mê nhất không phải là phở mà là …bánh mì kẹp thịt. Lý do là nó thơm ngon và có hương vị khác lạ với bất kỳ loại thực phẩm tương tự trên thế giới. Hai nữa là tiện dụng. Và chắc là lý do thứ nhất quan trọng hơn. Điều này không khiến tôi ngạc nhiên vì có dịp đi đây đó, tôi thấy điều đó là sự thực và không hiều vì sao kiểu bánh mì của mình mấy nước khác không chơi. Bánh mì của họ có thể rất mềm, hoặc rất cứng, đen hoặc trắng, nóng hoặc nguội ngắt nhưng vừa giòn , xốp, có cái cạnh bánh giòn thơm, hơi cháy vàng thì chưa thấy và ai có thấy đuợc xin chỉ giáo. Loại bánh mì giòn ấy, vẫn ngon lành từ những năm bao cấp nghèo khổ, dù ăn không kẹp cái gì ở giữa vẫn ngon vì dù là bánh mì lạt nhưng vẫn hơi ngọt, hơi mặn. Và trong suốt tuổi thơ của rất nhiều người Sài Gòn, tôi tin nó có vị trí đáng nể. Sáng không có nhiều tiền, mua ổ bánh mì lúc nào cũng rẻ rề. Lấy hộp sữa đặc Ông Thọ chế vào dĩa và bẻ tứng miếng bánh để quết đưa vào mồm. Sữa ngọt và béo, bánh mì giòn, còn muốn gì nữa.
Xem thêm chi tiết Ẩm thực 3 miền - Gặm bánh mì ở Sài Gòn tại : http://dining.vn/Gam-banh-mi-o-Sai-Gon_ndv359
Đánh dấu